1. Sơ lược về quá trình nộp hồ sơ
Đa số các trường đại học Mỹ đều nằm trong hệ thống CommonApp. CommonApp là một bộ hồ sơ duy nhất dùng chung cho tất cả các trường đại học nằm trong hệ thống. Hoàn thành các mục cơ bản của CommonApp là một trong những bước quan trọng đầu tiên của toàn bộ quá trình apply bắt đầu từ mùa hè sau năm lớp 11.
Học viên có thể lựa chọn nộp Common Application bản cứng hoặc bản mềm. Với mức độ điện tử hóa hiện nay, phần lớn các thí sinh lựa chọn nộp Common App bản mềm thông qua trang commonapp.org
Nhiều trường thuộc hệ thống đại học của bang (State University) hay thậm chí một số trường đại học tư như Georgetown sử dụng bộ hồ sơ riêng. Vì vậy nếu như trong CommonApp không xuất hiện tên trường, bạn phải truy cập vào website của trường để hoàn thành hồ sơ.
2. Các lựa chọn nộp hồ sơ
a. Early Decision (ED)
Là chương trình nộp hồ sơ sớm, ED chia làm 2 đợt: ED 1 đa phần rơi vào 1/11 hoặc 15/11 và ED 2 đa phần rơi vào cuối hoặc giữa tháng 1. Vẫn có các trường có hạn trước hoặc sau đợt này (bạn có thể kiểm tra trên web trường để biết chính xác hơn).
Kết quả thường có vào giữa tháng 12 hoặc đầu tháng 1. Học sinh ứng tuyển vòng ED của một trường sẽ nhận được kết quả sớm hơn so với các học sinh nộp hồ sơ trong các vòng muộn hơn của trường đó. ED là kỳ nộp đơn có ràng buộc, nghĩa là sinh viên cam kết với trường rằng nếu được chấp nhận, họ chắc chắn sẽ ghi danh và rút lại tất cả các đơn đăng ký vào các trường khác. Kết quả ED thường được thông báo vào tháng 12. Vì lý do này, học sinh chỉ nên nộp ED nếu đã chắc chắn rằng mình muốn học tại trường này.
b. Early Action (EA)
Học sinh nộp hồ sơ trong vòng này cũng sẽ nhận được kết quả sớm hơn so với các học sinh khác. Tuy nhiên, khác với ED, quyết định của EA không có tính ràng buộc. Lời khuyên là nếu bạn đã có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh vào tháng 10 hay đầu tháng 11, hãy tận dụng kỳ EA để tăng khả năng được nhận và được trao nhiều học bổng, hỗ trợ tài chính hơn. Ngoại trừ một số trường như Yale hay Stanford có Restrictive EA (chỉ được EA vào một trường duy nhất), bạn có thể EA nhiều trường một lúc. Lưu ý: khi bạn ED, bạn vẫn có thể EA. Và nếu bạn trúng tuyển EA, bạn có thể chọn không vào học và tiếp tục quá trình apply.
c. Regular Decision (RD)
Là chương trình nộp hồ sơ bình thường, có deadline vào đầu hoặc giữa tháng 1. Kết quả thường có vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Đây là kỳ nộp đơn phổ biến và cạnh tranh nhất. Nếu như bạn bị cho vào danh sách đợi (waiting list) – nghĩa là ban xét duyệt hồ sơ còn chưa chắc lắm về việc có chấp nhận bạn hay không, thì kết quả sẽ có vào tháng 5 hoặc 6 tùy vào lượng học sinh còn thiếu.
Sau khi được nhận ở các kỳ EA, EA hay RD, học sinh có thời gian cho đến ngày 1/5 để quyết định trường sẽ theo học và đóng tiền bảo đảm (Deposit).
d. Rolling admissions (RD)
RD là kỳ nộp đơn liên tục, không có deadline. Nhà trường liên tục tiếp nhận và đánh giá hồ sơ trong suốt cả năm, có thể có một số hạn nộp hồ sơ ưu tiên nhưng không có hạn từ chối nhận hồ sơ. Nhà trường sẽ nhận thêm học sinh cho tới khi đủ học sinh cho niên khóa đó.
3. Thông tin về tài chính
Hiện nay các trường đại học Mỹ có 4 loại trợ cấp tài chính chính cho sinh viên quốc tế:
– Loan: Khoản vay dành riêng cho học sinh quốc tế. Đây là khoản tiền mà sinh viên được cho vay từ các trường đại học để chi trả chi phí trong suốt quãng thời gian học đại học. Bởi vì khoản vay này được xem là một hình thức hỗ trợ tài chính nên nhà trường sẽ cho các bạn tân sinh viên vay tiền với lãi suất thấp hơn cả lãi suất ngân hàng, cũng có thể sẽ không có lãi, tùy trường. Và với khoản vay này tất nhiên bạn phải hoàn trả lại khi ra trường đi làm.
– Work-study program: Chương trình vừa học vừa làm. Đây là khoản hỗ trợ các bạn có thể được nhận từ những hoạt động trong trường như trợ giảng, làm thêm trong văn phòng trường, thư viện, v.v… Những công việc này được nhà trường cho phép và mức lương các bạn có thể được nhận dao động từ $1000-$2000/ năm.
– Need-based financial aid: Đây là học bổng được hỗ trợ dựa trên khả năng chi trả mà gia đình của các học sinh có thể đáp ứng được cho trường (Expected Family Contribution). Với một vài trường có nguồn tài chính mạnh, các bạn có thể sẽ được đáp ứng được 100% khoản tiền mà gia đình mong được hỗ trợ, tuy trường hợp này khá hiếm.
– Merit-based financial aid / Scholarship: Đây là học bổng dựa trên thành tích của học sinh. Ví dụ sẽ được trao cho những học sinh có thành tích học tập/ thể thao/ văn nghệ/ khả năng lãnh đạo… xuất sắc và không quan tâm đến khả năng tài chính của các bạn. Những bạn có khả năng và thành tích tốt sẽ được ưu tiên xét tuyển. Tùy mỗi trường cấp học bổng mà có những hình thức xét khác nhau, các bạn có thể xem trên website của trường để biết thêm chi tiết.
4. Các mẫu đơn cần thiết để kê khai tài chính
– Certification of monthly income (Xác nhận thu nhập): Là chứng nhận về thu nhập hàng tháng của thí sinh hoặc thành viên trong gia đình. Chứng nhận do cơ quan/ công ty của phụ huynh cung cấp, xác nhận vị trí làm việc, thời gian làm việc, thu nhập hàng năm trước thuế, số thuế đã nộp, thu nhập sau thuế có chữ ký của quản lý nhân sự hoặc giám đốc công ty và con dấu chính thức của công ty xác nhận.
– Bank statement: Xác nhận sổ tiết kiệm – chứng minh số tiền hiện có trong ngân hàng của gia đình – Đây cũng là một trong những chứng nhận kèm theo Certification of Finances để chứng minh năng lực tài chính của thí sinh và gia đình. Sổ tiết kiệm nên có hạn từ 3 – 6 tháng.
– CSS profile – College Scholarship Service Profile: Là hồ sơ xin trợ cấp tài chính chung cho phần lớn trường ĐH ở Mỹ do College Board xây dựng. Mỗi học sinh sau khi đăng nhập vào tài khoản College Board của mình sẽ được nhập thông tin cá nhân vào CSS. Mẫu CSS yêu cầu quy đổi và khai toàn bộ thông tin thu nhập bằng tiền Việt và học sinh phải gửi từ website College Board tới các trường đại học.
– ISFAA/ COF của College Board: ISFAA – International Students Financial Aids – là hồ sơ xin trợ cấp tài chính cho sinh viên quốc tế. Mặc dù phần lớn trường ĐH chấp nhận sinh viên quốc tế nộp CSS, một số trường vẫn yêu cầu sinh viên dùng ISFAA.
– Certification of Finances: Là đơn tường trình về năng lực tài chính của thí sinh. Đây là xác nhận phụ huynh sẽ đóng tiền cho con đi học. Xác nhận phải khi toàn bộ thông tin tài chính bằng đơn vị Đô-la Mỹ (USD), và ghi tỷ giá chuyển đổi tương tự như trên đơn ISFAA. Trên mẫu này có phần chữ ký của phụ huynh thì chỉ cần chữ ký đại diện của một trong hai phụ huynh. Thường thì học sinh chỉ cần nộp hoặc CSS hoặc bộ ISFAA/ COF.